Tản văn – Nuôi dưỡng

Tôi nhận thấy sự quan tâm của mình thường rơi vào trẻ em và phụ nữ. Điều dễ dàng nhận ra vì có lẽ họ cùng một điểm chung là họ thuộc phe yếu thế. Tất nhiên tôi vẫn lặp lại tiêu chí thường trực là xét theo tỉ lệ, bởi vì chắc chắn rằng dù là ở đâu, dù là phe phái nào thì đều có người này người kia, ngay cả là cùng một người thì cũng có lúc này, lúc khác, khi mạnh, khi yếu, điều này tôi đề cập đến cả hai phương diện: thể chất và tinh thần.

Tôi lựa chọn sự quan tâm của mình rơi vào hai đối tượng này bởi vì họ có một sự liên quan mật thiết với nhau. Xét về phe yếu thế, chúng ta cũng đều sẽ nghĩ về “người cao tuổi”, nhưng ở quan điểm cá nhân của tôi, người cao tuổi dù nhìn vào cũng yếu thế thật đấy, nhưng dù gì thì sự tồn tại của họ ở thế gian này đã dần đi về phía cuối rồi. Họ cũng đã trải qua đủ thăng trầm ở cuộc đời để rồi cũng đã sẵn sàng trở về với đất mẹ. Còn hai đối tượng kia, một bên là người tạo tác ra những đứa trẻ, một bên là chịu sự chi phối ban đầu của người đã tạo ra mình, cả hai được đến với nhau như là duyên tiền định vậy. Sau khi trải qua giai đoạn khởi duyên ban đầu, những đứa trẻ đã được sinh ra cũng ở nhiều tâm thế rất khác nhau, phần đa là sự sẵn sàng được đón nhận, phần còn lại một góc nhỏ nào đó là sự lầm lỡ. Khởi đầu khác nhau đương nhiên dẫn đến những quá trình khác nhau, tuy nhiên, xét đến kết quả sau cùng thì không có một kết luận nào có thể được dùng chung cho tất cả các trường hợp. Bởi quá trình khác nhau ấy phụ thuộc rất lớn vào việc đứa trẻ được nuôi dưỡng như thế nào. Không ai dám chắc rằng đứa trẻ được đón nhận thì sẽ được nuôi dưỡng tốt hơn những đứa trẻ lầm lỡ. Ở giới hạn nội dung tản văn này, tôi muốn cùng nhau chúng ta bàn về việc nuôi dưỡng, nhưng tôi cũng mong muốn được mở rộng ra khái niệm của từ “nuôi dưỡng”, sự nuôi dưỡng không chỉ gói gọn trong việc sinh ra một đứa trẻ và nuôi dưỡng chúng khôn lớn, mà sự nuôi dưỡng này sẽ có mặt trong hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống mỗi người chúng ta.

Trước hết chúng ta đi vào ý nghĩa của từ “nuôi dưỡng”. Theo định nghĩa từ điển, “nuôi” là một động từ, nghĩa của nó là cho ăn uống, giúp một đối tượng nào đó lớn dần lên, có thể đối tượng là con người, là cây cối, là một sinh vật nào đó, … mang ý nghĩa thuộc thể chất, “dưỡng” là chăm sóc, yêu thương, giữ gìn, …, mang ý nghĩa thuộc tinh thần. Từ đó, chúng ta khái quát được rằng nuôi dưỡng là một công việc thuộc cả phạm trù thể chất lẫn tinh thần, chúng ta nuôi ai đó lớn lên mỗi ngày, đồng thời chúng ta cũng cần phải dưỡng, là gìn giữ yêu thương để không chỉ là thể chất – mà tinh thần cũng cần lớn mạnh lên mỗi ngày nữa. Từ sự quan sát thiển cận của tôi, tôi nhận thấy, hầu hết chúng ta làm rất tốt phần “nuôi”, nhưng chúng ta lại hay quên đi phần “dưỡng”. Cũng phải thôi, điều dễ hiểu vẫn là quanh quẩn bởi câu nói “Có thực mới vực được đạo”, khi cái bụng còn đói thì tay chân còn không thể nhấc lên nổi chứ đừng nói gì cao siêu tới cái não hay cái gì đó gọi là tinh thần. Nói là vậy, nhưng từ thực tế trải nghiệm, tôi vẫn khẳng định rằng con người chúng ta không cần quá no đâu, ăn no cũng không phải là điều tốt cho cơ thể, chúng ta chỉ nên vừa thôi, còn lại khi ý thức dưỡng gìn, chúng ta sẽ giúp cho tâm hồn mình và người mình yêu thương không bị lạc lối. Ai trong chúng ta cũng đã từng là một đứa trẻ. Chúng ta của hiện tại như thế nào, mình có thỉnh thoảng dừng lại và tự ngẫm điều này chăng? Nếu đọc đến đây, bạn mỉm cười tự thấy ta của hiện tại an yên – hạnh phúc – vững chải, vậy là tôi chắc chắn rằng bạn được dưỡng rất nhiều từ nơi tâm hồn bạn có và nơi bạn sinh ra lớn lên. Tôi mừng lắm vì điều này. Vậy nhưng phần còn lại, bạn chợt thấy ta đang rối rắm – chênh vênh – miên man, vậy bạn hãy thử quay lại nhìn về thời gian trước đó, khi ấy, bạn sẽ tự chiêm nghiệm được, có lẽ rằng mình chỉ được nuôi chứ dưỡng thì chưa mấy phần. Chúng ta cùng bàn sâu về dưỡng nhé.

Sau khoảnh khắc chiêm nghiệm lại mình, bạn hãy nghĩ về đứa trẻ của mình. Chúng ta lựa chọn sinh con ra một cách chủ động hay lầm lỡ, dù là kiểu nào, nếu hiện tại bạn có một đứa trẻ để nuôi, bạn cũng hãy dừng lại và xem đứa trẻ hiện tại của bạn đang như thế nào? Con có vui tươi – hồn nhiên như lứa tuổi của chúng hay bọn trẻ đã bị phảng phất nỗi buồn vương vấn từ người lớn chúng ta truyền sang. Bằng cách dừng lại này, tôi chắc rằng bạn sẽ nhận thấy điều gì đó ở con. Vẫn thế, nếu đứa trẻ của bạn đang sống đúng lứa tuổi của chúng phải là, vậy thì tôi tin rằng bạn đã dưỡng dục con bạn đúng đắn. Bằng ngược lại, có lẽ chúng ta đã sai ở đâu đó ở từ “dưỡng” mà ra, có lẽ rằng chúng ta đã quên dưỡng bọn trẻ. Vậy thì chúng ta dưỡng bằng cách nào? Thật ra trong mọi vấn đề ở nơi cuộc sống, ngay khi bạn “nhận ra”, tôi hiểu rằng bạn đã có cách. Đây cũng là câu tôi hay dùng khi các bạn trẻ hỏi điều gì đó. Tôi rất hay trả lời “Bạn đã hỏi được nghĩa là trong câu hỏi đó có luôn câu trả lời rồi đó”. Bởi vì trong muôn vàn biến cố của cuộc đời này, hầu hết đều nằm ở nơi “ta”, “ta” rất khó nhận ra được nó, quá trình này cần sự trưởng thành trong nhận thức, chúng ta cần học cách nhận diện sự cố, tách sự cố ấy ra khỏi “ta”, khi bước được đến đây là bạn tự khắc đã có luôn câu trả lời cho cách giải quyết vấn đề rồi. Vậy thì ta có cần đi tiếp để nói rõ về cách “nhận ra” không nhỉ? Chúng ta tiếp một chút nữa nhé. Cũng rất đơn giản thôi!

Đầu tiên, chúng mình cần một chút chậm chạp. Chút chậm chạp ban đầu này sẽ dẫn đến sự bình tĩnh và kiên nhẫn ngay sau đó. Tại sao chúng ta cần chậm chạp một chút. Bởi vì đây là căn nguyên-gốc rễ của sự cố của ta. Chúng ta luôn có xu hướng phản ứng lại với sự cố, phản ứng ở đây thật tiếc phần lớn lại thường không đưa đến kết quả tốt đẹp. Vì hay phản ứng nên các phản ứng này sẽ lại kéo theo các phản ứng khác, ban đầu chỉ một người, sau đó có thể lên hai-ba và nhiều hơn nữa. Vậy là càng phản ứng, xu hướng tiếp theo sẽ càng bùng nổ. Khi bùng nổ đủ lớn, độ sát thương của nó sẽ quay lại trả cho chúng ta và những người xung quanh cũng kha khá niềm đau. Niềm đau này bất kể là gì, có thể là sự hả hê vì mình đã dám nói-dám làm, hoặc có thể là sự hối hận vì mình đã nóng vội dẫn đến lỡ lời, … Tất thảy dù là gì thì cũng cùng đưa đến một từ “Đau”. Đau cả cho mình và cho người. Vậy thì lúc này có lẽ bạn đã hiểu được vì sao chúng ta cần chậm chạp một chút. Sau khi chúng ta học được cách chậm chạp này, chúng ta sẽ tránh được một số phản ứng tức thời với sự cố. Chỉ cần chậm lại chút, bạn sẽ thấy từ từ chúng ta sẽ tiến thêm một bước gần hơn với sự bình tĩnh và kiên nhẫn. Đến được với sự kiên nhẫn rồi, tự nhiên chúng ta sẽ phát triển được lòng thương, lúc này chúng ta sẽ biết thương mình, thương người, dễ dàng thông cảm hơn cho mình và cho người. Khi này, bạn đã đủ sáng suốt để nhìn thấu được sự cố, dần dần, bạn sẽ cảm thấy mình tách được “ta” ra khỏi sự cố và sự cố cũng theo đó dần dần mất đi theo cái cách mà chúng tự nhiên xuất hiện. Đây là lúc chúng ta “nhận ra”.

Tới đây rồi, chúng mình sẽ thấy mọi việc thật sự đơn giản hơn rất nhiều đúng không? Sự việc đúng là đơn giản mà. Mọi thứ đều đơn giản, chỉ là con người chúng ta cứ thích làm cho nó phức tạp hơn mà thôi. Vậy nên việc của chúng ta nên làm là “dưỡng tâm”, để cho tâm hồn có được sự đơn giản vốn có, từ sự đơn giản đó, chúng ta sẽ nhận ra tất cả mọi vấn đề này đều từ “ta” mà ra, sau khi đã nhận ra rồi, chúng ta sẽ tách mình ra khỏi vấn đề một cách dễ dàng để rồi tâm hồn chúng ta sẽ ngày một phong phú hơn, tràn ngập tình yêu thương hơn, nghĩa là tâm hồn chúng ta đã mạnh lên bội phần chỉ bằng việc biết cách nuôi dưỡng. Chỉ cần nuôi dưỡng được những cá thể theo cách này. Tôi tin rằng, theo cấp số nhân và lãi suất kép, chúng ta sẽ cùng nhau hướng về một cộng đồng giản đơn và nhiều hạnh phúc hơn chúng ta tưởng. Đầu tiên chỉ là một cánh bướm, nhưng rồi sau đó sẽ là sự lan tỏa và cộng đồng hạnh phúc ấy sẽ ngày một mạnh mẽ hơn. Tôi luôn có niềm tin như vậy – Bắt đầu bằng việc “Nuôi dưỡng”

thênh thang,