Tản văn – Câu chuyện về khoảng cách

CÂU CHUYỆN VỀ KHOẢNG CÁCH

Trong một tản văn tôi viết cách đây ít tháng, có một chi tiết về khoảng cách. Chúng ta hiểu rằng khi nói về “Khoảng cách” sẽ có ít nhất hai ý nghĩa dễ dàng nhận thấy được đó là “khoảng cách vật lý” và “khoảng cách tình lý”. Nói vui vậy, chứ khoảng cách vật lý rất cụ thể, chúng ta dễ dàng hình dung được. Khoảng cách từ quận Tân Phú qua quận Bình Thạnh là khoảng 10km, từ Quảng Ngãi đến TP.HCM là khoảng 800km, … Con người là vậy, cái gì cụ thể đều rất dễ hình dung. Vậy nhưng cuộc sống kiến tạo ra vạn vật – trong đó có con người, lại đa phần là những điều không cụ thể. Điều này nghĩa là gì? Nghĩa là những điều cụ thể sẽ rất ít so với những điều không cụ thể. Và theo đó, những gì con người có thể hình dung được sẽ rất hữu hạn, rất ít, đa phần còn lại là những điều con người khó hình dung, khó hiểu, khó nắm bắt được.

Chúng ta sẽ mặc nhiên chấp nhận rằng cuộc sống phát triển mỗi ngày, theo thời gian thì công nghệ cũng phát triển mỗi ngày. Ban đầu, chúng ta cùng đồng ý rằng sự phát triển của công nghệ đã rút ngắn mọi khoảng cách vật lý, chúng ta cùng vui mừng vì điều đó. Không một ai phủ nhận được sự tiện ích, tiện nghi mà công nghệ mang lại. Hàng ngày, con người – dù đang ở châu lục nào cũng đều có thể nhìn thấy được nhau, nắm bắt mọi thông tin của nhau trong tích tắc, vậy mà không vui mừng phấn khích sao được? Quá tiện lợi! Gia đình – dù chia năm xẻ bảy tha phương cầu thực ở mỗi quốc gia khác nhau, chỉ cần một cuộc gọi “Face time” là có thể nhìn thấy nhau tường tận, vậy mà không thỏa mãn sao được? Thế nhưng, …, cuộc sống là vậy, sẽ luôn tồn tại từ “nhưng” và dấu “ba chấm”, …

Không biết các bạn thế nào, nhưng tôi cũng đã từng nghĩ rằng mình là “cái gì đó” ghê gớm lắm, mình sẽ làm được những thứ cũng ghê gớm lắm. Ai rồi cũng từng được trải nghiệm lứa tuổi đôi mươi, cái lứa tuổi mà mỗi ý nghĩ đi ngang qua não đều có thể trở thành một ngọn lửa – tưởng chừng có thể đốt cháy mọi thứ dám cản trở mình. Tuy nhiên, bảy mươi phần trăm cơ thể là nước, và nước cũng chiếm diện tích bảy mươi phần trăm của trái đất. Có lẽ các bạn cũng hiểu được tôi đang muốn nói điều gì. Khi hết nguyên liệu, khi có mưa rơi, khi có lũ lụt, … thì ngọn lửa dù lớn đến đâu cũng sẽ bị dập tắt thôi. Khi tuổi trẻ qua rồi ta mới thấy tuổi trẻ thật sự ngắn. Khi đến cuối đời rồi ta mới thấy cuộc đời thật sự ngắn. Lúc này thì các khái niệm về khoảng cách: ngắn-dài, gần-xa, … sẽ không còn được hiểu như “khoảng cách vật lý” nữa, lúc này thì “khoảng cách tình lý” mới làm con người suy nghĩ nhiều hơn cả. Sẽ bất chợt, chúng ta không còn thỏa mãn với “Face time” nữa mà chúng ta sẽ cần “Face to face”, chúng ta sẽ sẵn sàng đánh đổi vài nghìn đô, vài ngày làm việc, vài cuộc vui thú chỉ để được chạm mặt nhau, nhìn sâu vào mắt nhau và chạm lấy tay nhau. Sẽ bất chợt, sống mũi đỏ ửng lên, khóe mắt cay xè khi nghĩ đến ngày đoàn viên ấy và tin rằng ta sẽ sẵn sàng đánh đổi nhiều hơn thế nữa để có thể được gần nhau.

Vậy đó, cuộc sống cứ thế lặng lẽ trôi, con người vẫn cứ thế lặng lẽ sống, công cuộc mưu sinh vẫn cứ thế cuốn mình lặng lẽ đi theo sự xô đẩy của nó, chúng mình sẽ đôi lúc quên mất việc giữ lại cái neo của cuộc đời mình. Hãy đừng chọn neo mình vào bất kỳ nơi đâu bên ngoài, hãy chọn neo mình vào chính cái bên trong của mình. Có như thế chúng mình mới không bị kéo trôi xa đi một cách vô thức.

Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy,

Ta có thêm ngày nữa để yêu thương, …!

thênh thang