Tản văn – Người mẹ lười

Tản văn này ra đời nhân một ngày – cũng như hầu hết mọi ngày khác, khi tôi đang đan xen làm những công việc quen thuộc và luồng suy nghĩ đi chu du tứ tán vài nơi. Bất chợt đọc được bài viết dưới đây của trang VNExpress.

https://vnexpress.net/cha-me-luoi-4591838.html

Do sự sắp xếp của cuộc sống, khởi đầu của tôi không hướng đến việc viết lách, điều này chỉ đến từ khi tôi bước vào quãng 6 của đời mình, khi mà tôi bắt đầu nghĩ đến việc “mình sẽ ra đi vào một ngày đẹp trời nào đó”, vậy là tự nhiên tôi muốn ghi lại những cảm nhận của mình bằng chính ngôn ngữ của mình. Mục tiêu ban đầu là ghi nhận lại đã. Do xuất thân gia đình nghèo lại vô tình được học Công nghệ thông tin nên tôi đã có được cái nết để dành. Qua lứa thanh xuân, tôi cũng vô tình để dành được những tên miền (domain) mình thích. Ban đầu nghĩ là cứ để dành đó đã, vậy mà tới khúc này các sự việc tự động được ráp lại với nhau một cách hợp lý hơn mà không cần lý do. Tôi lại viết và để dành các bài của mình ở trang vuontamsu.com

Chúng ta đang nói về bài viết của các chuyên gia trên thế giới được trang VNExpress ghi nhận lại về cách giáo dục con cái của thời nay, trong đó, các chuyên gia đều là những thành tố có học vị và kỹ thuật khảo sát. Họ nói về một phương pháp làm cha mẹ nhưng phải “lười”, họ đã đưa các dẫn chứng trong kết quả khảo sát của họ và họ cùng đồng ý với nhau về tính hiệu quả của phương pháp này.

Tôi có được trải nghiệm làm mẹ lần đầu tiên vào năm 2010, ở lứa tuổi cũng đủ đầy sức khỏe và độ chín chắn để sẵn sàng làm mẹ. Cũng như bao bà mẹ khác trên thế gian, chúng tôi háo hức chờ đợi sản phẩm của mình. Đáp lại sự sẵn sàng của tôi nên đứa trẻ của tôi ra đời cũng với một tâm thế rất sẵn sàng để được thử thách và yêu thương. Một sự cố nho nhỏ trước khi đón bạn gái ấy về tới nhà, nhưng điều đó cũng không làm chúng tôi bớt đi niềm phấn khích chào đón bạn ấy. Thời điểm 2010 đó, các câu chuyện về phương pháp dạy con đã bắt đầu có dấu hiệu bùng nổ rồi, sách vở tài liệu đủ loại đã xuất hiện khắp nơi nên câu chuyện chia sẻ về các phương pháp nuôi dạy luôn nóng và sôi nổi. Lạ là tôi không có cơ duyên để lựa chọn được phương pháp dù rằng khi ấy, tôi cũng bị cảm giác hơi lạc lỏng khi ở ngoài thời cuộc. Tôi cứ nuôi dưỡng và chăm sóc bạn gái ấy hoàn toàn theo bản năng cộng thêm sự hướng dẫn yêu thương từ mọi thành viên trong gia đình. Và cũng theo cách ấy, tôi chào đón bạn gái thứ hai vào năm 2013. Mọi việc vẫn là ngoài cuộc chơi với “Phương pháp dạy con” tuy nhiên lại nhận ra mình là một “NGƯỜI MẸ LƯỜI

Tôi chưa dám bàn sâu vào việc “đúng-sai” như các chuyên gia, bởi vì với cá nhân tôi, tôi luôn cùng quan điểm với “Triết học-hai mặt của một vấn đề”. Mà thậm chí, khi người ta nhiều tuổi, người ta sẽ còn nhận ra hơn hai mặt khác nhau của một vấn đề nữa cơ. Và theo đó, tôi cũng mang theo quan điểm cá nhân này áp dụng vào hầu hết vấn đề trong cuộc sống của mình. Xung quanh tôi được gặp rất nhiều các gia đình có “CHA MẸ SIÊNG“. Trong phạm vi câu chuyện nuôi dạy con này, tôi cũng xin phép không so sánh mức độ yêu thương con cái của mỗi gia đình khác nhau. Các cha mẹ tôi từng gặp, tôi thật sự rất nể sự siêng năng của họ – nhất là các mẹ – người phụ trách chính việc chăm sóc con cái trong hầu hết các gia đình. Để tạo ra được các bữa ăn cho con cái, các mẹ sẵn sàng không tiếc thời gian nghiên cứu nguồn gốc, cách chế biến, cách bảo quản, …, thức ăn. Đây chỉ mới là việc ăn. Kế việc ăn là việc ngủ. Rất nhiều cách để ngủ, trang bị thêm các công cụ để giúp các con có giấc ngủ chất lượng. Ngoài ăn-ngủ thì theo thời gian, các con sẽ còn vô số những nhu cầu khác nữa như: chơi, học, nói chuyện, … Và khi đã nghiên cứu từ cơ bản (ăn-ngủ) rồi thì các việc phức tạp hơn chắc chắn sẽ mất kha khá thời gian nghiên cứu tiếp theo của cha mẹ nữa. Dần dà, theo thời gian khôn lớn của các con, các mẹ hầu hết chỉ còn quanh quẩn trong công tác chăm sóc bảo vệ đứa trẻ của mình. Các câu chuyện trao đổi – tranh luận trong các cuộc nói chuyện giữa các cha mẹ với nhau thường chỉ xoay quanh đứa trẻ. Còn việc tới khi nào “đứa trẻ” được đổi thành “đứa lớn” thì tính sau.

Và với các phương pháp hiện đại được nhiều cha mẹ tin tưởng lựa chọn, tôi vẫn lạc hậu với hầu hết những gia đình tôi biết. Các con gái của tôi biết mẹ chúng không giỏi nấu nướng, nên bọn chúng chấp nhận trong một tuần sẽ chỉ được ăn vừa miệng từ hai đến ba bữa, các bữa còn lại tạm là được, không bị đói là được. Chúng biết mẹ chúng không siêng năng để đi theo chúng trong từng bước chân nên bọn chúng cứ tự bước đi và vướng ở đâu sẽ về kể mẹ nghe ở đó, cha mẹ chúng sẽ sẵn sàng ngồi nghe hàng giờ để cùng bọn chúng gỡ vướng. Mẹ chúng không giỏi đi theo dọn dẹp ngăn nắp nhà cửa, nên mẹ chúng bắt buộc phải hướng dẫn chúng tự quản đồ dùng cá nhân và khu vực sinh hoạt của chúng, … Rất nhiều sự việc lười của chúng tôi mà cũng không thể viết hết ra được đây. Thật ra thì tôi vẫn bảo toàn nguyên lý “không có thành quả nào là dễ dàng hết”. Tất nhiên trong quá trình lười ấy, chúng tôi phải siêng nói, siêng nhắc, siêng làm mẫu, …, nhưng tôi luôn cho rằng sự đánh đổi ấy mang lại giá trị cao cho chúng tôi. Tôi chấp nhận rằng việc chúng tôi mỏi miệng thuở các con còn bé vẫn tốt hơn nhiều mỏi miệng khi bọn chúng trưởng thành. Vậy nên hậu quả của cách nuôi dưỡng con cái của chúng tôi để lại là: hai vợ chồng tôi như đôi bạn thân, chúng tôi có nhiều thời gian trò chuyện và đi cùng nhau trong cuộc sống, các con không quá phụ thuộc vào sinh hoạt của ba mẹ chúng, …, và còn nhiều nhiều những hậu quả khác nữa mà cũng không viết chi tiết hết qua bài này được. Nhưng rồi đúc kết lại của tôi qua cách làm “NGƯỜI MẸ LƯỜI” là gì? Là tôi cố gắng tạo ra một môi trường thuận lợi trong khả năng của tôi để các hạt giống tôi đang ươm có thể phát triển trong khả năng của chúng. Trong mọi vấn đề của cuộc sống, tôi chấp nhận tất cả các mặt có thể xảy ra của vấn đề, có thể đúng, có thể sai, có hợp lý, có thể chưa hợp lý, có thể thành công, có thể chưa thành công … Bọn trẻ cũng vậy, suy cho cùng, việc sau này bọn chúng trở thành con người như thế nào là nằm hoàn toàn trong cơ duyên lựa chọn của chúng, cha mẹ của bọn trẻ không sống thay chúng được.

Vậy nên việc cha mẹ cần làm là sống cuộc đời hạnh phúc của cha mẹ, các con sẽ được sống cuộc đời hạnh phúc của chúng. Tôi hay lan tỏa quan niệm “Chúng ta chỉ có thể chia sẻ những gì chúng ta có”. Bởi vì bản chất con người rất tham lam và ôm đồm, tham lam ở đây không có nghĩa tiêu cực, đôi khi là tham công tiếc việc, đôi khi là sức yếu nhưng muốn làm nhiều việc quá sức, đôi khi là muốn chia sẻ nhưng không biết chia sẻ gì, … Từ đây về sau, chúng ta chỉ nên chia sẻ những gì chúng ta có. Ví như, khi ta hạnh phúc, vui vẻ, chắc chắn ta sẽ chia sẻ được điều này cho ít nhất những người bên cạnh, khi ta biết yêu thương, ta sẽ chia sẻ được sự yêu thương, khi ta có thể lắng nghe, chúng ta hãy lắng nghe nhiều hơn, …

Nếu để kết lại cho tản văn này, tôi nghĩ chúng ta đều có thể thực hiện được vài điều nho nhỏ về sự lười biếng trong chọn lọc và siêng năng trong chia sẻ – và tất nhiên như tôi đã đề nghị, chúng ta cùng chia sẻ những gì chúng ta có. Trước khi chúng ta có thể yêu thương chăm sóc bất kì đối tượng nào, trước hết chúng ta cần phải biết yêu thương và chăm sóc bản thân mình trước đã. Khi chúng ta có đủ đầy tình yêu thương, đủ đầy sức khỏe, chắc chắn sự yêu thương này chỉ có thể tăng lên và lan tỏa ra khắp xung quanh, đến với bất kỳ đối tượng nào chúng ta tiếp cận, và đặc biệt là đứa trẻ do chúng ta lựa chọn sinh ra sẽ được hưởng đủ đầy sự yêu thương ấy để sẵn sàng bước ra ngoài lựa chọn tiếp tục lan tỏa điều ấy đến cuộc sống tự lập sau này của chúng. May mắn thì ta sẽ được thấy điều này trước khi chúng ta được quay về vạch khởi đầu mới.

thênh thang,